#4 Những ngày đầu tiên của chuyến tuần-du bến chờ, bến đợi ở nơi đất Bắc…
Thời tiết ngày hè nhưng mấy nay luôn râm nắng, trong khoảng 31 độ, thật chiều lòng những người con phương Nam.
2 ngày trôi qua nhưng đọng lại thật nhiều những dòng suy tưởng, một người chị trong đoàn bảo: học bao nhiêu năm lịch sử cũng không bằng 1 ngày hôm nay, được đến từng nơi, nghe từng câu chuyện, cảm thấy thấm thía lạ thường… một người chị xúc động rơi nước mắt vì cuối cùng đã đến được những nơi mà bố chị ngày trước thường kể cho chị nghe, những điều vốn tưởng chỉ còn trong tâm thức, nay chị đã đặt chân tới, chị bảo lần này chị đi thay cho cả bố mình.
. đi tới Cổ Loa nghe câu chuyện An Dương Vương, chuyện Trọng Thuỷ- Mị Châu, Triệu Đà là ai, Thục Phán, Cao Lỗ…
tới Đền Đô nghe chuyện 216 năm của các đời vua nhà Lý, thắp 1 nén nhang cho các bậc tiền bối, hiểu được tầm nhìn của vua Lý Thái Tổ khi dời đô về đất Thăng Long
tới chùa Phật Tích hiểu về câu chuyện những ngày đầu Phật Giáo truyền vào Việt Nam
tới chùa Bút Tháp, nhìn 2 anh chị đang quỳ thành kính, ngồi tĩnh lặng cỡ chừng 30 phút trước tượng Thiên thủ, Thiên nhãn mà thấy xúc động, nên không ai nói gì tự động ngồi xuống cùng họ
. tới đền Kinh Dương Vương nghe kể câu chuyện thuở lập quốc Xích Quỷ tới huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ… rồi leo mấy ngọn núi thăm đền của từng vị Quốc Tổ ở Phú Thọ.
Chiều hôm qua, ngồi trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, ngọn núi thiêng của các vua Hùng, Vũ pha trà, rồi nghe anh Tâm kể về nền minh triết Việt qua Âm Dương, Ngũ hành… những câu chuyện chưa từng được kể về bánh chưng, về mật ngữ trong các chuyện cổ tích, bài đồng dao, về các tập tục và cách người Việt vận dụng Âm Dương Ngũ hành trong đời sống một cách tự nhiên và thành thục… thấy tự hào làm sao, yêu sao non sông nước Việt mình.
Mấy ngày qua đi qua các thành phố Từ Sơn, Việt Trì, Hoa Lư thấy nơi nơi đều đang đổi tên, thật may trong giai đoạn chuyển giao đặc biệt này của đất nước chúng tôi được nói lời chào với những thành phố cũ…
Băng qua những cánh đồng, những làng cũ và những đô thị mới…
Chuyến đi dung dăng dung dẻ vẫn đang tiếp tục, tôi viết những dòng này khi mọi người đang say giấc trên xe tiến về đất cổ Hoa Lư… miền địa linh nhân kiệt.
#3 khi non nước cũng là gương soi
Thế là chuyến tuần-du ra Bắc đầu tiên của nhà Mộc đang bắt đầu đếm ngược từng ngày. Một vài người bạn trong chuyến đi đã bắt đầu rục rịch nhắn tin - rằng lòng háo hức lắm, mong đợi lắm.
Ở vai trò người dẫn đường, chúng tôi cũng nôn nao không kém. Bởi mỗi nơi - dù từng ghé qua bao nhiêu lần - vẫn luôn là một lần đầu tiên khi có những người đồng hành mới, trong những hoàn cảnh mới, và một bầu không khí mới.
Tôi nhớ chuyến khảo sát năm ngoái. Dẫu ngày trước từng ra Bắc rất nhiều lần, nhưng lần đó, khi mang theo một tâm thế khác, một nhịp thở khác... thì những nơi tưởng đã quen tên, quen lối, bỗng chốc trở nên lạ lẫm vô cùng. Đến một thời điểm nào đó, người ta không còn đi đến một nơi nào đó như bình thường nữa, mà là để tắm trong bầu không khí đó.
Có một buổi chiều, tôi ngồi thật lâu trong sân đền Kinh Dương Vương, lặng lẽ nhìn ra dòng sông Đuống đang trôi lững lờ. Tôi đã nghĩ về những điều dòng sông ấy từng trải qua. Rồi bất chợt nhớ con sông Tiền trước nhà. Nhớ, thương, và cảm được dòng chảy mạch ngầm đang luân chuyển giữa các dòng sông – giữa những vùng đất tưởng chừng xa cách. Có thể một lúc nào đó tôi đã từng uống dòng nước chảy từ đây. Có thể những người chưa từng gặp, lại từng thân thiết ở đâu đó giữa muôn trùng. Không còn định kiến. Không còn đánh giá. Chỉ còn lại một sự hiện diện chân thật và những điều trong lòng đang dần mở ra.
Mấy nay, tôi dành nhiều thời gian hơn để đọc lại sử liệu, nghiền ngẫm các tuyến di chuyển, khoảng nghỉ, điểm dừng - để từng nhịp của hành trình được thở theo một tiết tấu hài hòa: lúc thong dong, lúc lắng đọng. Mỗi nơi, mỗi chặng, mỗi bữa cơm cũng được đặt vào nhau không chỉ cho thuận tiện, mà để nâng đỡ cho một trải nghiệm nội tâm thấm chậm.
Rồi tôi lại tự nhủ - hãy để chuyến đi có dòng chảy riêng của nó. Có lịch trình, nhưng cũng không hoàn toàn bị giới hạn bởi lịch trình. Có điểm neo, nhưng cũng có những khoảng mở để điều bất ngờ được lặng lẽ bước vào.
Tôi mong, trong hành trình này, qua những địa danh lịch sử, chúng ta sẽ cùng chạm tới những tầng sâu khác của sử Việt - những điều không có trong giáo trình, những chuyện không ai kể bằng sách vở. Tôi cũng muốn chia sẻ đôi điều về phong thủy đất nước, và những triết lý Âm - Dương Ngũ Hành, về cách mà người xưa thở cùng trời đất qua ca dao, tục ngữ, món ăn, lễ tiết… để khi trở về, ta có thể nhìn thấy một mái đình, một bờ ruộng, một bức tường rêu - và biết, sau đó là cả một nền văn hiến đang âm thầm cất tiếng.
Và rồi, sau tất cả, đó sẽ là những ngày thật dịu dàng của những con người thong dong rong chơi cùng nhau.
Không vội vã. Không giáo điều. Không phô trương.
Chỉ có những khoảnh khắc nhẹ nhàng, những khoảng lặng sâu và một tiếng gió thoảng qua lòng, đủ để nhớ mãi.
Tôi đang rất mong cho chuyến tuần-du lần này.
#2 tuần-du bến chờ, bến đợi... đang đi vào hồi chuẩn bị
thế là còn độ hơn 1 tháng nữa, nhà mộc sẽ cùng mọi người bước vào hành trình tuần-du về phương Bắc.
xuất phát từ Hà Nội, đi qua Bắc Ninh, Phú Thọ rồi dừng chân 2 ngày ở non nước Ninh Bình.
có một chút mong đợi, có một chút hồi hộp cho những gì ở chặng đường phía trước.
nhưng nghĩ lại chuyến đi này vốn để thong dong cùng với đất trời thì dù có thuận lợi hay bất như ý đều là những điều để cảm nhận rõ bên trong mình có những giới hạn nào.
có thể mọi người đã quen với những chuyến du lịch - đến một nơi, tham khảo địa điểm ăn uống rồi tự do khám phá... để cảm nhận vùng đất mới, để lưu dấu kỷ niệm
nhưng tuần-du với nhà mộc là một điều gì đó khác
chúng tôi sẽ đi chậm hơn, chút ngẫu hứng hơn, và dành nhiều thời gian để lắng nghe- quan sát những gì quanh mình
mọi người cũng nghĩ tới viễn cảnh hình ảnh một nhóm người sẽ thiền bất động, hay hát múa nơi công cộng...
nhà mộc chưa bao giờ tiếp cận theo cách đó, đặc biệt là vượt khỏi những quy tắc ứng xử chung
thế nên đó sẽ là một hành trình khẽ khàng, nhịp nhàng và dịu dàng
mấy nay nhà mộc nhận được các đăng ký đa phần đều là những gương mặt quen với nhà mộc
mọi người vốn đã hiểu cách nhà mộc cảm về cái đẹp, về cái ngon, về sự sắp xếp, về sự ý nhị và những điều không-thể-gọi-tên
thế nên, hành trình này ta cứ thế mà đi nhé!
Bắc Ninh đợi ta với những nơi lưu dấu ngàn năm
Phú Thọ là hành trình hiểu về nguồn cội của dân tộc Việt
Ninh Bình với non nước thần thiên là nơi để ta đạp xe, dạo bộ, thơ thẩn cùng với đất trời
thông qua chuyến đi này nhà mộc cũng mong,
sau chuyến đi mọi người sẽ có cái nhìn rộng mở hơn về cách suy nghĩ, tập tục, ứng xử của người dân ở các vùng miền khác nhau.
đây cũng là dịp để hiểu về triết lý Âm Dương, Ngũ Hành, câu chuyện về long mạch, phong thủy nước nhà cùng văn hóa tín ngưỡng dân gian.
rồi lúc nào đó, ta sẽ thấy bên trong ta những nút thắt được từ từ cởi bỏ
ta thấy dạt dào và trái tim thêm mềm
chuyến đi này là để thương
thương lắm non sông gấm vóc nước nhà
thương lắm những con người tần tảo sớm hôm
thương lắm cả bản thân mình cho những điều bám víu quẩn quanh
hẹn tháng 6 nha!
#1 Đâu là lý do nhà mộc tổ chức tuần-du?
Nhà mộc chưa bao giờ làm điều gì chỉ vì thích, mà luôn có một duyên lành nào đó gọi mời. Nếu bạn đã đồng hành cùng mlf trong 9 năm qua, có lẽ bạn cũng đã thấy rõ điều ấy. Mọi thứ đã luôn đến đúng thời điểm của nó, như một hạt giống đã đủ duyên sẽ nảy mầm.
Tuần-du lần này, cũng vậy. Đây là một bước để chúng tôi đặt những viên gạch đầu tiên cho chuyến du hành bất tận trong tương lai.
Tôi vẫn nhớ có lần, một người bạn nói với tôi: Mọi chuyến đi, rốt cuộc cũng là để quay về. Ban đầu, cũng chưa cảm lắm, nhưng rồi mỗi lần rời khỏi những điều quen thuộc, rời khỏi nhịp sống thường ngày để đặt chân đến một miền đất mới, tôi lại thấy lòng mình rộng hơn một chút, sáng hơn một chút.
Đi, không phải để gom góp thêm những điều hay ho. Cũng không phải để đánh dấu rằng mình đã đặt chân đến đây, đã chụp lại những bức ảnh đẹp. Đi, là để có dịp ngồi lại với chính mình – trong một bối cảnh khác, giữa những điều kiện khác – để lắng nghe xem điều gì đang khuấy đảo bên trong mình?
Nếu cứ ở mãi một nơi, với cùng những điều kiện sống như nhau, ta khó lòng nhận ra mình đang bị ràng buộc bởi điều gì.
Nhưng khi đi, khi thay đổi một chút môi trường, một chút nhịp điệu, ta lại có cơ hội thấy rõ hơn những điều đang trói buộc mình.
...Đi để thấy, để cảm, để làm hòa
...Đi để thấy lòng rộng ra
Còn nhớ trong một lần đến Ninh Bình, tôi đã nghĩ rằng lòng mình đã đủ thênh thang, vì mỗi ngày vẫn sống giữa sương gió Măng Đen, giữa rừng cây và đất trời. Nhưng trong một khoảnh khắc ngồi trên thuyền, lặng nghe tiếng mái chèo khuấy nước, nhìn một chú cò đang rình cá, ngước lên thấy tầng mây trôi lững lờ… bất giác, tôi khẽ rùng mình. Như có một điều gì đó vừa mở ra trong lòng mình: một áng thơ, một tấm áo nâu, một nhịp bước chân thinh lặng…
Có những khoảnh khắc như vậy. Khi ta không thể suy nghĩ nhiều, cũng không cố tìm kiếm điều gì. Chỉ cần mở lòng ra thì đất trời sẽ nói với mình.
...Đi để làm hòa với những gì còn vướng mắc
Có những điều ta tưởng như đã buông, nhưng thật ra vẫn còn đó. Như một sợi dây mảnh cứ lặng lẽ níu mình lại. Đi, đôi khi chỉ để nhận ra mình có thể đặt xuống được rồi.
...Đi để thấy sự hòa hợp trong tất cả
Muốn làm gì, cũng cần một cái gốc vững. Muốn bước ra, cũng cần một nơi để quay về. Như một cái cây có rễ sâu thì mới vươn cao, một dòng suối có nguồn thì mới chảy mãi.
Chuyến đi này, có lẽ cũng là để nhìn lại cái gốc ấy. Để thấy rằng tất cả những gì đã qua, những gì đang đến, đều là một phần của mình. Để nhận ra rằng giữa muôn vàn khác biệt, vẫn luôn có một sự hài hòa. Để rồi những điều từng khiến mình không hài lòng, nay ta có thể nở một nụ cười mềm à... thì ra là vậy.
Thế nên, tôi mong mỏi được cùng bạn san sẻ những khoảnh khắc ấy.
Để nếu bạn đang thấy mình lạc lõng, có thể tìm lại một sợi dây kết nối.
Nếu bạn đang thấy nhiều thứ trong lòng còn chưa yên, có thể có một dịp để lắng nghe.
Và nếu có điều gì đó trong bạn vẫn đang chờ được mở ra, có lẽ chuyến đi này sẽ là một cánh cửa.
Chúng tôi mong được gặp bạn.
Dung dăng dung dẻ, cùng nhau xem thế gian vận hóa thế nào.
Có nhiều điều để kể, có nhiều sự mong ngóng cho hành trình này…